Sale logistics là gì? Quy trình làm việc của nhân viên sale logistics

Sales logistics đang là một trong những ngành hot khiến nhiều người đổ xô muốn tìm việc. Đây cũng chính là vị trí cốt lõi có vai trò quan trọng giúp đem lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp logistics. Vậy sale logistics là gì? Làm những công việc gì? Quy trình làm việc và bí quyết để làm việc có hiệu quả ra sao? Bài viết dưới đây chúng tôi là cẩm nang hữu ích mà sale logistics tương lai cần có.

Sale logistics là gì?

Sale logistics là gì?

Sale logistics là vị trí cốt lõi giúp thu về lợi nhuận cho các doanh nghiệp làm dịch vụ vận chuyển logistics, nhập khẩu hàng Trung Quốc – hàng quốc tế. Họ có trách nhiệm tìm kiếm khách hàng, giới thiệu sản phẩm dịch vụ mà công ty mình cung ứng tới các đối tượng khách hàng đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics của đơn vị. 

Sale logistics có thể làm việc trong một công ty forwarder hoặc một công ty tàu, hàng không hay vận tải nào đó. Tùy từng vị trí khác nhau sẽ có những mô tả công việc cụ thể.

Có những loại sale logistics nào? 

Có những loại sale logistics nào

Trách nhiệm và chi tiết công việc sẽ tùy từng loại sale logistics theo dịch vụ của doanh nghiệp. Cơ bản sẽ được chia thành 3 loại sau:

  • Sale FCL – Full Container Load: Sale hàng nguyên container. Đối tượng khách hàng chủ yếu là các công ty xuất nhập khẩu lớn, các LCL forwarder.
  • Sale LCL – Less than Container Load: Sale hàng lẻ. Đối tượng khách hàng chủ yếu là cá nhân, doanh nghiệp có hàng gửi đi – về từ nước ngoài.
  • Sale Overseas: Chuyên tìm kiếm các khách hàng là công ty forwarder nước ngoài làm agent hoặc handle hàng cho họ.

Và ở mỗi loại hình sale logistics khác nhau thì cách làm việc, lộ trình thăng tiến và lương thưởng cũng khác nhau. Điều này cũng tùy thuộc vào năng lực, khả năng sale và tình hình phát triển của từng doanh nghiệp.

Thông thường, mức lương cứng bình quân cho vị trí sale logistics sẽ từ 5 – 7 triệu đồng/tháng, cộng thêm % hoa hồng từ 10 – 30% cho từng giá trị đơn và vị trí khác nhau.

Lộ trình thăng tiến của sale logistics

Lộ trình thăng tiến của sale logistics

Cũng như nhiều sale trong các lĩnh vực khác, sale logistics cũng sẽ có lộ trình thăng tiến cụ thể. 

Logistics sales trainee

Là vị trí thấp nhất của sale logistics, có vai trò thực hiện phát triển mạng lưới khách hàng có sẵn và tìm kiếm những khách hàng tiềm năng.

Logistics sales executive

Vị trí này có thể đạt được sau 1 năm ở vị trí logistics sales trainee. Và ở vị trí logistics sales executive, bạn sẽ thực hiện thúc đẩy cung ứng dịch vụ khách hàng. Đồng thời có thể thương lượng với họ để tối ưu hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Logistics sales supervisor

Sau 1 – 2 năm ở vị trí sale executive, bạn có thể lên sales supervisor. Vị trí này sẽ kết nối đội ngũ kinh doanh với các cấp quản lý, nhằm đảm bảo thực hiện tốt các chính sách, chiến lược từ trên đưa xuống sales tốt nhất.

Logistics sales manager

Thăng tiến sau 3 – 5 năm ở vị trí supervisor. Bạn sẽ chịu trách nhiệm hoạch định chiến lược, kế hoạch cụ thể để đội sales bám sát và thực hiện nhằm đạt kpi đề ra.

Logistics Sales Director

Logistics Sales Director cũng là vị trí cao nhất của sales logistics. Để  lên tới vị trí này, bạn phải nỗ lực học hỏi, có kinh nghiệm lâu năm và nghiệp vụ bền vững. Bạn sẽ là người kiến tạo, điều phối chiến lược và quyết định tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tất nhiên, vị trí càng cao thì mức lương đạt được sẽ không làm bạn phải thất vọng. Lương tới 9 con số sẽ không phải là điều khó khăn nếu bạn có năng lực và không ngừng tiến lên phía trước.

Và theo CEO tại công ty vận chuyển Nam Phú Thịnh thì muốn đạt được điều đó, trước tiên bạn cần chuẩn bị cho mình cả về kiến thức nghiệp vụ ngành, vốn tiếng (tùy vào doanh nghiệp bạn hỗ trợ vận chuyển tuyến nào), kỹ năng mềm và đặc biệt là tính kiên trì, bền bỉ, yêu nghề để có thể bám trụ với nghề.

Quy trình làm việc của nhân viên sale logistics

Quy trình làm việc của nhân viên sale logistics

Quy trình làm việc của nhân viên sale logistics sẽ được thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Xác định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp bạn

Bạn cần đánh giá được thế mạnh của doanh nghiệp mình là gì, công ty đang muốn đẩy mạnh mảng nào để có thể tìm đúng đối tượng khách hàng và sale một cách hiệu quả nhất.

Ví dụ: Với các công ty nhỏ và vừa thì tuyến hàng châu Á được lựa chọn phổ biến bởi giá cả ổn, đơn giản, dễ làm, khách đông. Công ty bạn đang mạnh tuyến Trung Quốc, Hàn Quốc,… hãy tập trung vào những khách hàng đi tuyến đó.

Thông thường, khi bạn vào công ty sẽ có người training và chỉ cho bạn những thế mạnh, hướng bạn đánh đúng đối tượng khách hàng. Nhưng đừng quên tìm hiểu thể có thể tư vấn khách hàng của bạn một cách thuyết phục nhất.

Bước 2: Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu

Hãy xem vị trí của bạn là loại nào trong 3 loại sales logistics bên trên. Khi đó, bạn sẽ có câu trả lời về đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn. Việc tiếp theo cần làm chính là tìm kiếm khách hàng ở những ngành nghề đúng tuyến thế mạnh và “chiến” thôi.

Bước 3: Tìm kiếm khách hàng

Có rất nhiều cách và nguồn khách hàng sale logistics có thể tham khảo: 

  • Bạn có thể tìm kiếm khách hàng theo: mùa, mặt hàng,…
  • Các nguồn tìm kiếm khách hàng cũng tương đối đa dạng: tìm theo từ khóa Google, directory, qua mạng xã hội, B2B website, cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, hội chợ, thông qua người thân bạn bè,…

Thông thường, các doanh nghiệp đều sẽ có sẵn data khách hàng cho bạn nên bạn chỉ cần liên hệ, thuyết phục và biến họ từ đối tượng khách hàng mục tiêu thành khách hàng thực thụ và chăm sóc họ mà thôi. Tuy nhiên, nếu bạn có thể chủ động mở rộng tệp khách hàng thì càng tuyệt hơn.

Bước 4: Xác định thông tin khách hàng

Sau khi tiếp cận được khách hàng mục tiêu thì bạn cần làm sao để họ cung cấp cho bạn càng nhiều thông tin càng tốt. Hãy chuẩn bị cho mình giấy note, sổ tay để ghi chép lại những điều cần thiết.

Cơ bản, bạn sẽ cần biết một số thông tin sau: 

  • Loại hàng, tính chất hàng hóa.
  • Số lượng, trọng lượng, kích thước đóng gói hàng hóa.
  • Địa chỉ nhập hàng.
  • Yêu cầu về vận chuyển.
  • Yêu cầu về giá/chi phí dịch vụ.
  • Yêu cầu về đại lý handle hàng tại cảng xuất.
  • Với những đơn hàng mua tận xưởng cần biết địa chỉ shipper để thông báo với đại lý và yêu cầu báo giá FOB charges hoặc giá vận chuyển.
  • Các yêu cầu về thủ tục giấy tờ xuất nhập hàng hóa.

Bước 5: Phân loại khách hàng

Trong tệp khách hàng của bạn, hẳn sẽ có những khách hàng có tiềm năng và cả khách hàng không có tiềm năng. Bởi vậy, bạn cần tiến hành phân loại khách hàng.

Với những khách hàng không có tiềm năng: Họ có thể không có nhu cầu hoặc đã có đối tác, thậm chí là không thuộc dịch vụ công ty bạn cung cấp. Bạn loại bỏ vào một danh sách riêng. Hãy nhớ note cụ thể lý do từng khách hàng, và có thể sau này bạn sẽ chăm sóc lại họ được.

Với những khách hàng tiềm năng bạn cần xây dựng chiến lược thuyết phục và biến họ thành khách hàng thực thụ.

Bước 6: Liên hệ đơn vị vận tải

Khi khách hàng sử dụng dịch vụ của công ty, bạn sẽ tiến hành liên hệ với đơn vị vận tải. Tùy vào từng loại hàng, phương thức vận chuyển mà sẽ có những cách vận chuyển khác nhau. 

Thường các đơn vị logistics sẽ có sẵn hệ thống đối tác, mức giá cụ thể rồi nên bạn dễ dàng tư vấn với khách hơn. Bạn nên gợi ý cho khách 2 – 3 đơn vị vận chuyển tốt nhất để họ có thêm sự lựa chọn.

Bước 7: Báo giá khách hàng theo nhu cầu

Khi đã nắm bắt được yêu cầu của khách hàng, khách hàng cần báo giá, bạn có thể gửi báo giá cụ thể để khách hàng xem xét. Đặc biệt, hãy lưu tâm tới việc khách cần quan trọng về giá hay chất lượng dịch vụ mà báo họ mức giá phù hợp. Ngoài ra, bạn có thể tư vấn gợi ý thêm họ một số gói dịch vụ đi kèm như bảo hiểm, chi phí kiểm hàng,… nhằm giúp bán thêm.

Bước 8: Theo dõi đơn hàng

Vì là người trung gian giữa khách hàng và doanh nghiệp, bạn phải là người nắm bắt rõ nhất về đơn hàng để xử lý vấn đề nhanh chóng, kịp thời nhất. Do đó, hãy xuất nhập kho bằng phần mềm để dễ dàng theo dõi đơn hàng thường xuyên và cập nhật thông tin cho khách hàng để họ nắm bắt được mọi tình hình tốt nhất.

Bước 9: Chuyển giao cho bộ phận giao nhận và chứng từ

Đến bước này, công việc của sales logistics sẽ hoàn thành tới 80% rồi. Việc cần làm tiếp theo bạn sẽ để cho bộ phận chứng từ và giao nhận hàng thực hiện.

Tuy nhiên, trong quá trình 2 bộ phận này làm việc, bạn cũng cần bám sát nhằm giúp cập nhật tình hình đơn hàng và giải quyết các vấn đề phát sinh nhanh chóng, kịp thời.

Bước 10: Chăm sóc khách hàng

Đến khi khách hàng hoàn thành một đơn hàng, bạn sẽ chưa xong việc đâu. Công việc tiếp theo để bạn có thể giữ chân được khách hàng hay không chính là thường xuyên chăm sóc họ.

Hãy thường xuyên hỏi thăm, trò chuyện, cập nhật các thông tin dịch vụ, chương trình ưu đãi,… thậm chí, bạn có thể gửi tới họ những lời chúc vào những dịp đặc biệt để họ thấy được sự quan tâm, tính chuyên nghiệp của bạn và sẽ dễ dàng quay lại với bạn hơn.

Một bí quyết giúp sale logistics có thể làm việc hiệu quả là làm việc bằng trái tim, suy nghĩ kỹ những gì bạn nói, hiểu về  đối thủ & khách hàng, tạo cảm giác bức bách cho khách hàng, kiểm soát sự từ chối, coi khách hàng là bạn. Như vậy, bạn sẽ chiếm phần thắng lớn trong công việc này. Chúc bạn thành công!